GS.TS., Võ Tòng Xuân - nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp, Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Australia nhận định: “Nếu được đầu tư và khai thác triệt để thì cây mía có thể mang đến giá trị kinh tế cao cho người nông dân và doanh nghiệp Việt.”
Giá trị kinh tế “từ gốc đến ngọn”
Mía là cây công nghiệp quan trọng, cung cấp nguyên liệu chính sản xuất đường – nhu yếu phẩm cần thiết trong đời sống hằng ngày, đồng thời là cây “xoá đói giảm nghèo” ở nhiều vùng quê. Hằng năm, diện tích trồng mía của nước ta được duy trì trên 270.000 ha, sản lượng đường trung bình đạt 1,3-1,5 triệu tấn/năm, giải quyết sinh kế cho trên 35 vạn hộ nông dân[1].
Theo GS.TS., Võ Tòng Xuân, cây mía có nhiều lợi thế hơn các cây trồng ngắn ngày khác. Về mặt sinh học, mía có khả năng thích ứng rộng do dễ canh tác, có thể sinh trưởng tốt trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, chống chịu tốt với các điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên và môi trường, dễ thích nghi với trình độ sản xuất của người nông dân (từ lạc hậu đến hiện đại). Mía có khả năng tái sinh mạnh, lưu gốc nhiều năm, một lần trồng thu hoạch được nhiều vụ. Sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân có thể xử lý ruộng mía, chăm sóc để các mầm gốc tiếp tục tái sinh, phát triển cho vụ sau, giúp giảm chi phí sản xuất.
Về mặt công nghiệp, mía là cây đa dụng, có thể mang lợi ích kinh tế từ gốc đến ngọn. Thân mía là nguyên liệu sản xuất đường, rượu, giấy, ván ép, dược phẩm, điện. Ngọn và lá mía có thể làm phân xanh. Rỉ đường được dùng làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học, rượu, dung môi aceton, butanol, nấm men, axit citric, lactic, aconitic và glycerin…
Trong đó, phát triển điện thương phẩm từ bã mía được xem là có tiềm năng rất lớn. Hiện nay điện sinh khối mới chỉ đạt khoảng 26,5% mục tiêu phát triển đến năm 2020, trong khi chính phủ vừa quyết định điều chỉnh giá mua điện đối với các dự án sinh khối đồng phát nhiệt-điện lên là 7,03 US cents/kWh[2], từ đó mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp mía đường đầu tư xây dựng nhà máy phát điện bã mía. Mặt khác, theo dự báo của OECD-FAO, tiêu thụ đường nội địa tại Việt Nam sẽ tăng 5% so với hiện nay, đạt khoảng 1,8 triệu tấn vào năm 2023[3].
Như vậy, nhìn chung, nếu được khai thác triệt để, chuỗi giá trị ngành mía đường được kéo dài ra và tận dụng tốt, thì nghề trồng mía hoàn toàn có thể phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ từ đường mà còn từ sản phẩm cạnh đường, sau đường và phụ phẩm khác.
Viết tiếp hành trình cây mía – sự vào cuộc của 4 nhà
Nhiều người cho rằng nông dân trồng mía sẽ khó chồng khó sau khi Việt Nam thực thi cam kết ATIGA, mở cửa cho sân chơi lớn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định đây là viễn cảnh khá tươi sáng, để cây mía Việt Nam phát huy tối đa giá trị kinh tế nếu có sự phối hợp đồng bộ từ các phía: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và đặc biệt là nhà nông.
Thực tế, trong những năm qua nhà nước đã có những đổi mới đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ nông dân. Cụ thể, chính phủ đã hỗ trợ kinh phí cho các nhà khoa học nghiên cứu và cung cấp giống mía mới cho nông dân, hướng dẫn công tác trồng trọt khoa học nâng cao năng suất mía. Song song đó, chính quyền địa phương cũng phối hợp cùng doanh nghiệp để vận động người dân dồn điền, đổi thửa: tạo vùng mía chuyên canh tập trung, đưa cơ giới hoá vào đồng mía và thực hiện hài hoà lợi ích của bốn nhà (nhà nông, nhà máy, nhà khoa học và nhà nước), bảo đảm năng suất và chữ đường, giảm chi phí sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đơn cử, tại một số địa phương, nông dân với sự trợ lực của nhà nước và doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công mô hình dồn điền đổi thửa, liên kết hợp tác xã và hình thành các vùng chuyên canh mía tập trung. Từ đó công tác trồng trọt trở nên thuận tiện hơn với hệ cơ sở tối ưu từ hệ thống kênh, mương thuỷ lợi đến giống mía mới, phân bón, phương pháp canh tác,… Canh tác khoa học, năng suất mía cao, chi phí sản xuất thấp, đồng thời được nhà máy đường bảo hiểm và bao tiêu tại ruộng nên họ không lo đầu ra, đời sống khấm khá cùng cây mía.
Theo đó, GS.TS., Võ Tòng Xuân nhận định: “Bản chất cây mía là cây trồng có nhiều lợi thế và giá trị kinh tế cao. Song song đó, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp đã và đang tạo điều kiện cho sự phát triển của cây mía nói riêng và nông nghiệp mía đường nói chung. Nông dân nên sớm thay đổi tư duy trồng mía, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ chọn giống, làm đất,… tăng liên kết với doanh nghiệp để nâng cao năng suất mía, giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành. Có như vậy thì cây mía nội mới đủ sức cạnh tranh với mía ngoại. Nông dân sớm làm giàu và sống khoẻ với cây mía” .
--------------------------------
[1] http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=387827
[2] https://nongnghiep.vn/dien-ba-mia-co-co-hoi-phat-trien-d260194.html
[3] http://www.fpts.com.vn/FileStore2/File/2019/08/02/FPTSSugar_Industry_ReportJuly2019_61f3c42c.pdf
PV